Trong thẩm mỹ, sử dụng chất làm đầy nhân tạo (filler) để làm đẹp là một trong những thủ thuật ít xâm lấn và có kết quả nhanh chóng. Cùng tìm hiểu về các loại filler thông dụng hiện nay ngay trong bài viết này nhé.
Filler – chất làm đầy nhân tạo
Ngày nay càng có nhiều các chất làm đầy (filler) có nguồn gốc tự nhiên (người, động vật) hoặc được bán tổng hợp, tổng hợp được sử dụng nhằm bù đắp khối lượng mô trong điều trị tổn khuyết và cải thiện thẩm mỹ.
Hyaluronic acid (HA)
Hyaluronic acid là thành phần tham gia cấu tạo cơ thể, chủ yếu ở tổ chức liên kết, da, sụn, mô thần kinh. Cơ thể người có trung bình 15g HA và mỗi ngày có 1/3 tổng số đó bị thoái biến bởi men hyaluronidase.
Các đặc tính làm đầy khuyết mô da và phục hồi duy trì chức năng da của HA được xác định lần đầu tiên năm 1934 bởi Karl Meyer và John Palmer, tại Mỹ với một tinh chất chiết xuất từ mắt bò. Và đến ngày nay HA được sản xuất để sử dụng như là một chất làm đầy trong lĩnh vực tạo hình thẩm mỹ.
HA không tồn tại độc lập trong tự nhiên nên phải được đồng phân hoá thay đổi cấu trúc phân tử bằng các mối liên kết ngang với các chất khác để tạo ra các sản phẩm khác nhau cùng nhóm gốc. Như nối với thiols tạo Extracel, HyStem; nối với methcrylate tạo Corgel; nối với formaldehyde tạo Hylane A; nối với diviny lsulfone tạo Hylane B. Hiện nay, nguồn HA để sản xuất filler được thu từ 2 nguồn: vi khuẩn lên men (bacterial fermentation) và động vật (mào gà trống).
Năm 2003, FDA Mỹ chính thức cho phép nghiên cứu sử dụng các sản phẩm HA trong y tế và thẩm mỹ mà sản phẩm đầu tiên là Restylane. Đây là sản phẩm tiêu biểu chứa HA có nguồn gốc không động vật (non-animal source) đầu tiên trên thị trường. Và cũng là sản phẩm HA đầu tiên được FDA Mỹ cho phép sử dụng là chất làm đầy trong thẩm mỹ.
- Sản phẩm HA Restylane (Mỹ)
Cùng nhóm Restylane còn có Juvederm, Perlane, Prevell đều đã được FDA cho phép sử dụng.
Calcium hydroxyapatide (CaHA)
Tiêu biểu là Radiesse, một sản phẩm của Merz Aesthetic Inc, thuộc Merz Pharma Gamble. Chứa các hạt là những vi cầu canxi (calcium-based microsphere) lơ lửng trong dung dịch gel gốc nước (water-base gel), kích thước lớn 25 – 40 micron có thể nhìn thấy dưới X-quang và CT scan. Các phân tử tập hợp tạo thành những khối phồng đệm dưới da và kích thích sản sinh collagen tại chỗ. Tác dụng kéo dài đến 1 năm.
Polymethylmethacrylate (PMMA)
Filler PMMA có thành phần gồm: 20% là những chuỗi hạt polymethylmethacrylate, 80% còn lại là dung dịch dạng gel, có tác dụng bán cố định (semi-permanent).
Artefill (PMMA microsphere + bovine collagen) là một chế phẩm của PMMA được FDA công nhận năm 2006. Sản phẩm của Suneva Medical Inc, chứa các hạt có kích thước 30 – 50 micron trong dung dịch collagen bò nguyên chất.
Polyacrylamide gel (Aquamid)
Sản phẩm do Contura International sản xuất và phân phối. Trong thành phần không có silicone, các vi cầu chứa những vi hạt polyacrylamide luôn ở trạng thái cân bằng động với môi trường tổ chức chung quanh, thu hút mô tổ chức tạo thành một màng bao quanh nhờ vậy các phân tử trương lên một cách bền vững, có tác dụng dài > 5 năm.
- Sản phẩm Polyacrylamide gel (Aquamid)
Đã có 30 000 người sử dụng ở Châu Âu, Châu Á, Châu Mỹ La tinh và 5000 người ở Mỹ với 0,1% biến chứng liên quan đến nhiễm trùng mà chưa có trường hợp nào bị dị ứng, quá mẫn cảm, viêm, tạo bao xơ hay tạo u hạt,… Đã được phép sử dụng ở Châu Âu nhưng vẫn chưa được FDA cho phép phân phối tại thị trường Mỹ.
Tiêm filler (chất làm đầy nhân tạo) có hại không?
Ngày nay sử dụng filler như là một phương pháp xâm lấn tối thiểu để có thể thay thế các phương pháp phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ truyền thống ngày càng trở nên phổ biến. Tuy nhiên tuỳ theo loại filler mà thời gian để duy trì hình thái bên ngoài của cơ thể được cải thiện dài hay ngắn, nhiều hay ít.
Thông thường có thể kéo dài 2 – 3 năm nhưng đôi khi cũng chỉ kéo dài chừng 6 tháng đến 1 năm. Mức độ cải thiện về hình thái bên ngoài cũng không thể hoàn toàn triệt để như các phương pháp phẫu thuật thông thường.
Đặc biệt là mức độ nguy hiểm với những biến chứng của tiêm filler cũng không thua gì các phương pháp phẫu thuật truyền thống: nhiễm trùng, áp xe tại chỗ, hoại tử vùng tiêm filler, thuyên tắc mạch dẫn đến tàn phế một bộ phận cơ thể thậm chí là tử vong cũng không hiếm gặp.
Chính vì vậy khách hàng luôn cần được thực hiện thủ thuật này bởi những bác sĩ có kiến thức sâu về sinh lý, giải phẫu cũng như có kinh nghiệm trong việc giải quyết các biến chứng do tiêm filler gây ra.