Tìm hiểu chi tiết về chất liệu trung bì da vô bào (ADM – Acellular Dermal Matrix). Đây là chế phẩm có độ tương thích sinh học cao, ít gây dị ứng miễn dịch và thường được dùng trong nâng mũi MegaDerm.
Trung bì da (ADM) – chất liệu nâng mũi MegaDerm
ADM là chất liệu đã qua các quy trình xử lý sinh tổng hợp nhân tạo, có thành phần cấu tạo chủ yếu là các chất liệu có trong chất nền gian bào ở lớp trung bì của da tự nhiên. ADM có độ tương thích sinh học cao, ít gây dị ứng miễn dịch và chế tạo thành các vật liệu có sẵn để nâng mũi như MegaDerm và AlloDerm.
ADM được xử lý từ da người (nguồn xác hiến tặng) thông qua các kỹ thuật xử lý chuyên biệt. Trong quá trình xử lý này, lớp biểu bì và các thành phần tế bào của lớp hạ bì có thể gây ra các phản ứng dị ứng, miễn dịch, nhiễm trùng (như các mảnh vụn tế bào, các kháng nguyên và vi rút tiềm ẩn) được loại bỏ để chỉ còn lại các thành phần có trong lớp trung bì trước khi đông khô.
Cấu tạo của ADM
ADM có tính tương thích sinh học cao vì bảo tồn các thành phần cấu trúc thiết yếu bên ngoài tế bào, trong đó collagen và elastin là thành phần chính. Vì vậy, ADM cung cấp độ căng và độ đàn hồi, cũng như duy trì cấu trúc da tự nhiên 3 chiều. Ngoài ra, chất liệu này còn bảo đảm các chức năng sinh lý như: thâm nhiễm nguyên bào sợi, tân sinh mạch máu,… thúc đẩy tái tạo mô.
Theo các phân tích mô học của ADM được cấy ghép, các sợi collagen, elastin trở nên dày đặc hơn, biểu hiện của protein ngoại bào tăng lên và sự hình thành những vi mạch trong ADM tăng lên, trong khi độ dày của ADM được cấy ghép không giảm theo thời gian. Những đặc điểm này cho phép mô liên kết xâm nhập đầy đủ và bảo đảm tính toàn vẹn cấu trúc lâu dài, khiến cho việc di lệch và lộ chất liệu trở nên hiếm gặp.
Vật liệu có nguồn gốc ADM được sử dụng phổ biến hiện nay
Hiện nay, có hai sản phẩm có nguồn gốc ADM được sử dụng phổ biến là:
- AlloDerm (LifeCell Corp, Branchburg, NJ, USA).
- MegaDerm (L&C BIO, Seongnam-si, Gyeonggi-do, Korea).
- Vật liệu MegaDerm
Sự khác biệt chính của MegaDerm và AlloDerm chính là MegaDerm có thêm các cấu trúc liên kết ngang và được chiếu xạ chùm tia điện tử. Chiếu xạ Gamma được sử dụng như một quy trình khử trùng cho AlloDerm, trong khi chiếu xạ chùm tia điện tử được thực hiện cho MegaDerm.
Chiếu xạ chùm tia điện tử là một hình thức chiếu xạ ion hóa tương tự như chiếu xạ gamma nhưng còn tạo ra các liên kết ngang trong cấu trúc collagen và tạo sự ổn định cho ADM. Chiếu xạ chùm tia điện tử (25 kGy) dẫn đến tăng sức căng và độ đàn hồi của ADM.
Sự liên kết ngang trong cấu trúc collagen của ADM vốn rất quan trọng đối với độ bền và sức căng lâu dài của ADM. Chính điều này làm giảm quá trình tự tiêu và cải thiện sự xâm nhập của nguyên bào sợi vào ADM, từ đó cho phép MegaDerm giữ được độ cứng và hình dạng.
Ứng dụng chất liệu trung bì da (ADM) trong nâng mũi
Đầu những năm 1990, nhiều loại ADM đã được giới thiệu để sử dụng làm vật liệu thay thế mô mềm trong phẫu thuật tái tạo như tạo hình vú, sửa chữa những khuyết hổng ở thành bụng, xử lý bỏng và kết hợp với ghép da.
Trong thẩm mỹ mũi, ADM được dùng làm vật liệu nâng sống mũi hay tạo hình đầu mũi. Với sống mũi, rất hữu ích cho việc tạo hình sống mũi, điều chỉnh sự bất thường của sống mũi, cũng như dùng để bọc các mảnh ghép tự thân hoặc ngoại lai để giảm khả năng lộ chất liệu, đặc biệt ở những người da mỏng.
Theo hình thái có 3 loại ADM:
- Kiểu cong (thường dùng để nâng sống mũi): hình thuyền dựa trên hình dạng của sống mũi. Kích thước 1×5 cm và độ dày 3, 4 và 5 mm.
- Loại khối thì phẫu thuật viên có thể cắt gọt theo kích thước mong muốn và được sử dụng cho nâng sống mũi hoặc nâng đầu mũi.
- Loại tấm được dùng làm vật liệu bao bọc cho mảnh ghép tự thân hoặc dị loại.
- Các loại chất liệu trung bì da ADM
Đánh giá về chất liệu trung bì da trong nâng mũi MegaDerm
Ưu điểm
- ADM được chế tạo thành các vật liệu có sẵn, theo nhiều hình dáng thiết kế với kích thước, độ dài và độ dày đa dạng, phù hợp cho mọi nhu cầu và mục đích của phẫu thuật viên mà giá cả phải chăng.
- ADM có độ đàn hồi tốt với độ cứng thấp và khả năng chêm thêm nên việc cắt tỉa hoặc thao tác trong quá trình phẫu thuật khá dễ dàng. Chất liệu này cũng làm cho da mũi nhìn mềm mại tự nhiên, ngay cả ở những người da mỏng.
- ADM có màu tương tự như da và không sáng bóng nên được sử dụng để bao phủ bên trên các vật liệu ghép tự thân hoặc ngoại lai khác để bù lại những nhược điểm của các vật liệu này.
- Trong số những bệnh nhân phẫu thuật sửa mũi lại, chất liệu ghép được đặt trước đó có thể sờ thấy hoặc nhìn thấy không đồng đều ở dưới da mũi. ADM có thể được sử dụng để điều chỉnh các khuyết điểm này vì nó có độ dày khác nhau với khả năng phục hồi cao.
- ADM là một vật liệu tương thích sinh học có nguồn gốc từ da người và vẫn giữ được các cấu trúc và tính toàn vẹn của lớp trung bì. Vì vậy, ADM hỗ trợ kết hợp mô và tái tạo vi mạch nhanh chóng sau khi cấy ghép. Kết quả là mũi sau nâng bằng ADM khá tự nhiên và mô xung quanh tăng sinh phát triển vô bên trong chất liệu (hay chất liệu tích hợp với mô xung quanh) khá đầy đủ mà không bị di lệch chất liệu.
Những thay đổi mô học sau phẫu thuật nâng mũi bằng MegaDerm đã được kiểm tra ở các trường hợp (loại bỏ MegaDerm để điều chỉnh thẩm mỹ phù hợp hơn, không phải do biến chứng liên quan đến mảnh ghép): mảnh ghép được kết hợp nhẹ nhàng với các mô xung quanh mà không có dấu hiệu nhiễm trùng. Độ cứng và độ dày của mảnh ghép không thay đổi đáng kể. Khi kiểm tra bằng kính hiển vi, phần chính bao gồm các sợi collagen và elastin và cấu trúc mạch máu mới được hình thành xuất hiện ở rìa ngoài của tổ chức collagen. Không có phản ứng của cơ thể với mảnh ghép, không có sự xuất hiện của các đại thực bào hay sự hình thành của bao xơ.
Nhược điểm và cân nhắc
- Tự tiêu chất liệu được coi là vấn đề chính của ADM.
- Có thể xảy ra tình trạng lệch mảnh ghép sau nâng mũi.
- Vẫn có tỷ lệ thấp nhiễm trùng trong hoặc sau quá trình nâng mũi hay các phản ứng dị ứng miễn dịch, thải ghép của cơ thể với chất liệu.
Nguồn: Asian Rhinoplasty, 2018 của Yong Ju Yang